Sa Pa – những niềm mong nhớ cũ

Tôi tỉnh dậy lúc 3h sáng. Thấy mình nằm tê cả hai chân, nép sát sạt cửa kính của chiếc xe giường nằm. Bên ngoài hình như trời đang mưa to lắm. Tôi định dậy, rồi lao thật nhanh vào một ngôi nhà nào đó trú tạm. Cơ mà giờ này thì còn ngôi nhà nào có thể chứa chấp tôi mà không lấy một xu nào cơ chứ. Tự nhiên thấy mình như một con mèo hoang đáng thương đến thế.

Tôi quyết định nằm ì trên xe chờ trời sáng. Mọi người xung quanh, người thì vội vã bắt taxi về nhà trọ, người thì chờ bạn bè đến đón. Có một đoàn leo núi vẫn nằm yên vị trên xe, chắc sáng mai họ sẽ leo ngọn núi nào của Lào Cai hay Lai Châu chăng. Người ta vẫn đang đi có mục đích và kế hoạch, còn tôi thì lúc nào cũng kiểu rong chơi như là đời chẳng còn gì để mất ấy. Tôi đột nhiên thấy mình kì lạ và ngông cuồng quá đỗi.

Tôi định bụng sẽ nằm tròn cả khoang xe cuối này, lăn lóc lăn lóc để chân đỡ tê cứng suốt mấy tiếng đồng hồ vừa qua. Và kệ đời, tôi ngủ một giấc no đây. Sáng mai sẽ tính tiếp.

Sáng đó, thị trấn Sa Pa vẫn còn chút sương giăng lãng đãng. Tôi tỉnh dậy, mệt nhoài rồi giật mình thấy chỉ còn mình và một vài người trên xe. Ông chủ nhà xe hách dịch đuổi tôi xuống xe để ổng còn dọn dẹp mà đi chuyến khác. Mới 6h sáng mà trời đã bừng bừng lên rồi. Mặt trời hôm nay có vẻ sốt ruột tợn.

Lấy cái balo từ gầm xe rồi đeo lên vai nặng trĩu, không hiểu mình đã chuẩn bị gì cho chuyến đi này mà ngỡ như đi tận cả tháng trời với đủ kiểu hành lý thế này. Nặng thêm nữa là cái lều, túi ngủ. Ngật ngưỡng và dò dẫm trong cái thị trấn chật chội, chưa gì đã thấy đông đúc khách du lịch, tự nhiên thấy chán gì mà chán thế chứ.

Với tôi, có lẽ Sa Pa đã chết, hoặc nhẹ nhàng hơn là nó đã biến mất mà chẳng bao giờ có thể trở lại.

Bước trên con đường ven hồ mắt nhìn dáo dác để tìm chỗ mà đặt chân vì quá nhiều ổ gà, ổ voi và những bãi nước, bãi sình lầy lội. Rác, rác chất đống khắp các mé đường. Nước, bùn, rác, đất đá, … tất cả tạo thành một thứ bùn đặc sệt, mông mốc, ngai ngái mùi khiến người ta cảm thấy phát ngán, muốn nhanh chóng thoát khỏi mớ hỗn độn này thật nhanh nếu không sẽ phát điên lên mất. Chốc chốc lại vội vàng tránh né vài chiếu xe tải, container to sụ đang hầm hè chở gạch, đá, vật liệu xây dựng đi khắp nơi trong thị trấn. Đường, không còn là đường nữa rồi. Thật không ngoa khi gọi nơi đây là một “đại công trường”, một thị trấn bị “băm nát” đang “chết dần trước tuổi”.

Tôi dừng lại ở một góc đường bụi tung mù vì cả đống xe cộ từ công trường, đất đá lổn nhổn, muốn buông vài câu cho bõ tức, bõ ức chế vì nỗi thất vọng quá lớn cho cái nơi từ lâu vẫn là bình dị, ấm áp trong lòng mình. Bước vội vào một quán phở gà bên đường mà thấy mình trốn đi đâu cũng không nổi với khách du lịch đông và hỗn tạp đến thế, trốn đi đâu mà thoát được âm thanh ầm ĩ của xe cộ, của mùi khói bụi, mùi công trình, mùi đất cát và những mé nước bẩn tạt ngang người mỗi khi xe taxi chạy vụt qua lấn đường để bắt khách.

Gọi liền một tô phở giá 40K, ăn nhồm nhoàm phát hết sạch ah. Nhìn tôi chắc có vẻ như ma đói hay sao mà mấy kẻ xung quanh cứ xì xào. Hoặc trong lòng họ ắt nghĩ đên cái thị trấn xô bồ hối hả vốn được gọi tên là thung lũng tình yêu, thị trấn lãng mạn này thì ắt là phải đi có đôi, có cặp, hoặc chí ít là có bạn bè. Còn nhìn xem cái con bé đen thủi đen thui như tôi, một mình với balo to oành, ăn mặc lại dở hơi, ngồi ăn liền tù tì bát phở với hai quả trứng, chắc bị người yêu đá rồi bỏ rơi cho chết đói mới ra nông nỗi này.

Trông mình bi thảm đến thế sao.

Tôi định bụng sẽ tìm một quán cafe nào đó vắng người, nhâm nhi thời gian và viết blog. Viết cả cho Sa Pa của tôi, hôm nay và những ngày sau đó, đang sắp “chết”…

Sa Pa hôm nay lạ lẫm quá! Một bác già bán áo mưa ven đường chua xót gọi nó với cái tên “Đại công trường du lịch”. Một sự tổng hợp của những gì chán chường nhất, xấu xí, méo mó nhất của phố thị thì lại quá nhiều, quá lổn nhổn, quá chất chồng đến không tưởng ở cái thị trấn xa xôi trên núi cao này.  Tôi thấy mình thật điên khi trốn đến Sa Pa vào cái ngày cuối tuần nheo nhóc này. Nhưng mà bác già bán áo mưa cười bảo, dù có đến vào ngày thường thì cũng thế thôi. Người người đổ dồn về Sa Pa, đến đây suốt năm suốt tháng, có bao giờ thấy Sa Pa bình yên như ngày xưa nữa đâu?

Tôi mông lung thấy mình dường như đã đánh mất một điều gì mà mình và những thế hệ trước từng trân quý. Sự bình dị đến hồn nhiên, sự nguyên sơ đến hùng vĩ, sự ảo tưởng, hi vọng về một mảnh đất trong sương luôn đẹp và ấm áp là vậy, giờ còn đâu?

Không, hẳn là tôi không đánh mất. Mà chính Sa Pa và những người đến Sa Pa với cái khát khao đổi đời, làm đổi thay thị trấn bé nhỏ này để vươn lên thành một nơi bề thế, hấp dẫn du lịch, làm giàu nước nhà, thay đổi cuộc sống,… Với những mĩ từ đó cùng với vài năm có lẻ mà Sa Pa đang dần “chết đi trong vô vọng” vì thật khó có thể kìm hãm những thay đổi quá nhanh, khiến Sa Pa bị nuốt dần bởi lòng tham lam và sự tham vọng của rất, rất nhiều người. Những người từng yêu Sa Pa, đang yêu Sa Pa, hoặc chẳng yêu quý gì sất, họ yêu chính bản thân mình, họ nhân danh cho nghĩa cử xây dựng kinh tế, giải phóng cuộc sống khó khăn của người dân tộc và đổi đời cho một miền đất nghèo nhưng nhiều “châu báu”.

Tôi sẽ không tiếc vì giây phút này trở về Sa Pa sau vài năm bản thân hối hả mà mong ngóng được về với miền đất chậm rãi, chập chùng như sương mây sáng sớm, với những ánh nhìn hiền hậu, nụ cười hoang si của người xứ núi; để rồi bất ngờ, bàng hoàng và hụt hẫng biết mấy khi thấy Sa Pa đã khoác lên mình một tấm áo thật mới. Tấm áo khiến tôi thấy Sa Pa lạ lẫm và méo mó, buồn tẻ và nhạt nhẽo, xấu xí và …dường như đã hết hi vọng.

Sa Pa, còn là một cuộc đua của những người nhiều tiền, mua đất, xây nhà hàng, khách sạn, xây xấu thì đập đi xây lại, xây lâu rồi thì phá đi sửa tiếp còn hút thêm khách. Xây nhỏ thì đập tiền vào để mua thêm đất. Rồi họ nghĩ, hết đất thì lại san rừng, dẹp ruộng, xẻ núi mà mở rộng thêm. Họ bảo, ruộng với núi để đó làm gì, đập đi xây nhà thì người dân cũng đỡ phải cắm mặt đất vào mà trồng rau, nuôi lúa như xưa nữa, để sức đó mà làm phu khuân đồ xây cáp treo, xây những ngôi nhà to lớn, những khách sạn sang chảnh, rồi mở hàng mở quán phục vụ, rồi chạy xe ôm, rồi bán đồ lưu niệm, … nhiêu đó vừa nhiều việc, vừa kiếm được nhiều tiền, vừa đỡ vật vã, nhàm chán, sợ mùa màng mất, sợ nọ sợ kia… Ôi hóa ra là cuộc đua ấy đã giúp cho bao con người sống ở Sa Pa này đổi đời đó chăng?

Họ có đổi, đổi đời, đổi tính, đổi cả những cái “chất” trân quý mà họ vốn dĩ có. Họ khôn khéo hơn, lanh lẹ hơn, và thực dụng hơn. Họ là người Mông mà tính cách tính toán, lăm le, dối trá học được chút ít của người Kinh cũng vạ vào người. Để rồi chính họ, những người chân chất hồn nhiên đến thế, giờ lại biến chất mà trở nên xấu xí, khiến bản thân họ cũng sợ rằng chẳng tìm lại được chính mình khi bị đẩy vào vòng xoáy của tham vọng. Trẻ con cũng biết vòi vĩnh xin tiền, biết đeo vòng vào tay khách du lịch rồi khóc lóc đòi trả tiền vì đã “trót dùng” vòng của chúng; người già thì biết cười tươi khi máy ảnh lia đến, rồi đòi tiền chụp ảnh, rồi xin tiền vì mình nghèo, mình ốm. Phụ nữ thì mạnh dạn hơn, biết thách giá cao hơn, biết nhập đồ giả, đồ lởm, đồ hại mà mang ra chợ bán vì muốn kiếm thêm thật nhiều tiền.

Nhưng rồi, họ nghèo vẫn hoàn nghèo, họ cũng chẳng giàu hơn là bao. Họ vẫn thiếu ăn thiếu mặc, vẫn phải mưu sinh kiếm sống vật lộn và cảm thấy lo lắng vì quê hương mình đang thay đổi, liệu rằng mình còn đất mà sống nữa hay không? Người giàu thì cứ tiếp tục giàu, mãi giàu, giàu hơn nữa. Còn người nghèo, đôi lúc cũng chỉ là một “công cụ” làm giàu cho người giàu, họ vẫn nghèo, vẫn khổ, vẫn lận đận kiếm sống, trẻ con vẫn chữ nghĩa không đủ, tương lai vẫn mờ mịt như sương khói.

Tôi chợt thấy bản thân run sợ và lòng mình quặn thắt vì những gì mình chứng kiến ở cái thị trấn nhỏ bé mà xô bồ này.

Và đó, khi hi vọng cuối cùng của tôi, là ngọn núi thiêng liêng hùng vĩ của cả dãy Hoàng Liên Sơn, của cả Lào Cai, cả thị trấn Sa Pa vốn tự hào là vậy, cũng ngã xuống vì những máy ủi máy xúc, của những đợt pháo, đợt nổ non phá đá, xẻ núi, xây cáp. Lòng núi vỡ vụn vì lòng người quá tham lam. Tôi ngơ ngác kiếm tìm điều gì giữa thị trấn hối hả, mệt mỏi và đầy những tham vọng này?

Nhưng không.

Nếu làm lại quyết định ngày hôm qua, tôi vẫn sẽ nhảy lên một chiếc xe khách, dù cũ kĩ thôi cũng được, và rồi lại trở về với Sa Pa.

Tôi muốn nhìn ngắm Sa Pa ở những gì trần trụi nhất, không phải qua những tấm hình ăn mày dĩ vãng về một Sa Pa nguyên sơ xưa cũ. Tôi muốn tìm kiếm những gì còn sót lại của Sa Pa cho riêng mình, để bên cạnh những mất mát mà Sa Pa đã phải đánh đổi, thì vẫn còn có những điều nhỏ bé còn lại, dù chỉ là xíu xiu.

Chắc hẳn nếu khi đó nắng không còn ấm, thì một Sa Pa sáng đèn, ồn ào, chật kín người vẫn cứ đón tôi. Chẳng sao cả. Tôi nghĩ rằng, vẫn luôn có những cách để chúng ta tận hưởng một điều gì nhàm chán trở nên mới lạ, những điều xấu xí trở nên được cảm thông hơn. Mặc dù đã nhiều thứ thay đổi hay biến mất, thì đừng quá phiền lòng, đừng quá chua chát, đừng quá bi quan, đừng quá chán nản, thử an nhiên tìm kiếm một góc nào đó ở khu phố chật chội này cho mình, tôi tin là vẫn còn.

Tôi sẽ rảo bước thật nhanh đến phố Cầu Mây, ngồi ở quán café quen bên góc đường chật chội, uống cùng Vũ một lon beer lạnh, ăn burger rồi ngắm đường phố qua ô cửa kính to đùng của một quán vắng cũ kĩ. Một quán nhỏ nào đó xây theo kiểu nhà trình tường cổ, bên góc tường là chiếc loa đang phát những bài hát chao ôi mà xưa đến thế.  Tôi sẽ đọc sách. Và thỉnh thoảng ngước nhìn qua góc cửa những người đi đường ngoài kia. Là những bàn tay nắm lấy nhau, hay cái lườm nguýt của cô gái nhỏ cho bạn trai chẳng chịu ôm mình đi giữa phố lạnh.

Hoặc tìm một quán vắng có view nhìn thẳng ra hướng núi, rồi chọn một chỗ ngồi trên gác hai, gọi một ly cacao thật nóng, ngửi mùi khói ở đâu đó và nhìn mây lững lờ trôi nghiêng trên chùm núi biếc.

Những ngày chuyện trò về Sa Pa với Vũ, tôi vẫn bảo là nhất định tôi sẽ tìm thấy một người đàn ông có chiếc răng khểnh làm say lòng mình, rồi sẽ dắt anh ta tới đây vào một ngày Sa Pa thật lạnh, hóa băng, rơi tuyết khắp thị trấn cũng được. Tôi mặc chiếc áo bông to sụ màu thiên lam, đội mũ màu cánh gián kín đầu và cái mũi thì đỏ ửng vì lạnh. Rồi ngồi bên bếp lò bập bùng ngọn lửa giữa ngôi nhà đá. Nhất định sẽ nhìn vào mắt nhau thật nhiều khi nói chuyện. Tách cacao nóng cùng những câu chuyện của chàng trai răng khểnh sẽ mang đến ấm áp cho tôi trong một ngày Sa Pa lạnh dài đến thế.

Đôi khi tôi thèm được trở về những ngày mộng mơ ấy, thấy mình cùng Vũ đến đây, khi Sa Pa vẫn còn nguyên lành lắm. Vũ cứ cười, cười mãi vì nét trong trẻo của một thị trấn lạ bàng bạc trong sương chiều. Vũ ngồi bên gác xép nhỏ của căn nhà cũ, nơi có ô cửa be bé đủ để nắng rọi và gió luồn, đung đưa đôi chân nhỏ gầy mà nhìn xuống thung lũng bên dưới, nơi xanh mát màu rừng. Ngày đó xa quá.

Tôi thỉnh thoảng cũng thèm mơ mộng vài gợn chân mây ngọn cỏ nơi Sa Pa mùa cũ, thèm uống những đám mây mờ phía xa xa, thèm hít hà mùi sương lững thững trôi quanh eo núi. Vũ thì thích chạy nhẩn nha ngoài sân nơi phơi những hạt đỗ tương tròn căng bóng, tắm ánh nắng chiều vàng vọt ngọt thơm mùi gỗ mới. Thế mà, chốc lát thôi mà trời đã đổ sương trắng xóa, bồng bềnh trôi nghiêng. Một cơn gió tinh nghịch thổi qua thì sương đi đâu mất, lát sau đã thấy đám trắng ấy vờn đuổi trên đỉnh núi kia rồi. Nhanh lắm, mà lành lạnh, như giấc mơ đến vội rồi đi ngay.

Nếu được về lại căn nhà gỗ trầm hương với cái gác xép cũ rích, có chiếc ghế mây nhỏ xíu đặt bên cửa ra vào mà Vũ hay ngồi, chắc chắn, tôi sẽ ăn lại bát canh xương hầm thảo quả, uống thêm ngụm rượu ngô cho cay xé lòng vì nỗi nhớ Sa Pa ngày xưa cũ cứ giày vò tôi mãi, mãi thôi…

 


Bình luận về bài viết này