[Viết] Những người đàn bà sau lưng ngựa

Tôi có đọc được ở đâu đó một bài viết, và tôi cứ mãi nhớ câu hỏi mà bài viết đã nhắc đến: “Hình ảnh tình nhất ở miền rẻo cao Tây Bắc là gì?” Thỉnh thoảng, nghĩ đến Tây Bắc, tôi nhớ ngay đến những con đèo ôm vai núi, nhớ cái nắng gió quyện hương rừng núi xứ biên thùy đất ải. Nhưng chưa hẳn là tình nhất.

Cho đến khi tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn bà lặng lẽ theo sau bước chân ngựa. Trên lưng ngựa là một ông chồng say khướt, nằm vắt vẻo, no say giấc ngủ, an tâm trong cái chăm chút, lắng lo của người phụ nữ đi ngay sau mình. Có lẽ đó là hình ảnh tình nhất, khiến bao kẻ dưới xuôi, người miền ngược phải lặng mình suy ngẫm.

Buổi chợ trưa váng vất hơi rượu. Chợ đông vui, nhộn nhịp và náo nức âm thanh. Những người đàn ông vui vẻ bên bàn rượu, chén lên chén xuống rồi khật khừ những lời nói mà kẻ dưới xuôi chẳng thể hiểu. Rượu hết, người cũng đến lúc say. Say vật vã. Say nhũn người. Say nằm lăn nằm dài ra đất. Đâu đó, người vợ chậm rãi ngồi đợi chồng. Chờ đợi trong im lặng, không mảy may tính toán, không giục giã, chẳng sốt ruột. Rồi người phụ nữ váy xanh đỏ đầu buộc khăn lặng lẽ đến, đỡ người đàn ông dậy, đưa anh ta nằm lên lưng ngựa. Thế rồi người đàn bà ấy nhẫn nại đưa chồng, đưa ngựa đi qua mấy quả núi để về nhà. Chuyện ngỡ như đùa, mà tình đến ấm đáy lòng. Không một lời trách móc, không mặc kệ, không kêu ca. Họ cẩn thận, ân cần chăm sóc người đàn ông của cuộc đời mình như một người mẹ thương con, người vợ yêu chồng đến cháy tim cạn lòng. Họ cứ thế, lặng lẽ, lững thững đi sau người đàn ông say mềm nằm vắt vẻo lưng ngựa. Tay còn tranh thủ cần mẫn gỡ búi sợi lanh, ánh mắt đăm đăm nhìn lên lưng ngựa. Cái ánh mắt ấm và đầy thương yêu, như ngắm nhìn, như trông chừng, bảo vệ người chồng vô tâm của mình vậy. Hình ảnh đó như toát lên cả tình yêu thương lẫn sự nhẫn nhục, cam chịu mà có lẽ những người phụ nữ dưới xuôi chẳng thể nào có được.

HA8_9806_15

Những người đàn bà sau lưng ngựa họ cảm thấy hạnh phúc khi có một ông chồng say khướt, lặng giấc bên bàn rượu. Họ vui vì chồng mình được nhiều người quý mến, có nhiều bạn bè tâm giao, nhiều người mời rượu. Người xứ biên thùy quan niệm, có sống thật với nhau mới cầm lên chén rượu ủ chin trong lòng đá núi. Thương nhau thì uống thật lòng. Mỗi chén rượu đưa lên miệng là cả tấm lòng chân thành, trân quý họ dành cho nhau. Thế nên họ vui vì say, phải tự hào vì có những người bạn cùng uống, cùng say cho đến lịm giấc nằm vạ vật bên vệ đường. Họ thực sự là những người đàn bà kì lạ. Nếu là người phụ nữ dưới xuôi, chắc hẳn sẽ là gắt gỏng ông chồng thích tụ tập. Là trách cứ, mắng mỏ cho các ông chồng nhớ lấy mà chừa cái tội bê tha. Ôi chăng cái cuộc sống chốn thị thành có lẽ cũng khiến những người phụ nữ bận rộn chẳng đủ cái sự kiên trì, nhẫn nhịn mà biểu lộ tình thương yêu của mình với ông chồng như những người đàn bà xứ đá. Chẳng hiểu vì sao tôi cứ thấy cái tình, cái nghĩa ở nơi biên viễn xa xôi này nặng và sâu như đá như thung, đậm và chất như xanh rừng cuộn suối. Liệu có phải vì người xứ đá, họ sinh ra và lớn lên với khắc khổ, với gió ngàn sóng đá nên tâm hồn họ phóng khoáng mà đậm sâu?

Đàn bà Mông họ sống vậy. Người mẹ đi sau lưng ngựa. Rồi con gái lớn lại lững thững đưa chồng vượt núi vượt non trở về nhà sau buổi chợ sớm say khướt. Cứ như thế đã thành truyền thống, thành nét đẹp trong văn hóa, trong cuộc sống của người dân xứ đá. Đàn bà Mông, là lấy chồng thì phải đội chồng lên vai, thương chồng hơn thương tấm thân mình. Vì chồng mà sống. Vì chồng mà làm lụng vất vả. Vì chồng mà chăm lo, vun vén cho gia đình. Vì chồng mà kiếm củi, gùi nước, làm nương, phát rẫy. Ngày ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, năm này nối năm kia, cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn bên chồng con.

      “Đàn bà Mông theo chồng về bản
       Chồng ngồi lưng ngựa , vợ cầm đuôi lên dốc
        Chiếc áo phập phồng gió núi Hoàng Liên.

        Đàn bà Mông uống rượu bằng bát
        Đêm chợ tình say múa hát
        Đôi bàn tay dẻo như dệt vải xe lanh
        Chiếc váy xoè như cánh chim công .

        Đàn bà Mông rất đỗi thương chồng
        Chồng ăn cơm , mình ăn mèn mén
        Quạt không rời tay khi chồng say sỉn
        Tiếng cười theo vó ngựa thời gian.”

(Lê Vân)

Có đôi lần vì không nén chặt nghĩ suy, tôi đã cố ngồi xuống bên cạnh một người phụ nữ đang chờ chồng uống rượu. Tôi biết rồi chị cũng sẽ đỡ ông chồng ấy lên lưng ngựa và đưa chồng về nhà. Tôi hỏi chị vì sao, vì sao chị đủ niềm tin và tình yêu lớn như thế để hi sinh bản thân nhiều đến vậy. Mặc dù chị cũng đi học, cũng biết tiếng Kinh, hẳn là tư tưởng cũng sẽ thật tiến bộ. Chị chỉ cười, đưa bàn tay đặt lên ngực trái: “Vì tin, vì thương thôi!”

Ừ, tin và thương. Sống trên đá, họ khép kín như đá, và cứng rắn như đá. Vậy chắc tình yêu và niềm tin của họ hóa đá? Không, niềm tin và tình yêu của họ thì thổn thức và mãnh liệt lắm. Cái cách họ thể hiện sự mãnh liệt đó là lặng lẽ, âm thầm qua từng ngày, từng tháng, qua cả cuộc đời dài rộng. Đôi khi yêu thương không phải là những lời nói ngọt ngào, là hứa hẹn thề xa, là lãng mạn viển vông; mà chỉ là tin và thương. Đủ tin và thương, chắc người ta có thể sống vì nhau, hi sinh cho nhau đến vậy.

HA8_4772_15

Đôi lúc cũng ước được yêu thương một người đến cạn lòng như những người đàn bà xứ đá. Tình cảm chân thật và nhiệt thành suốt cả cuộc đời, không phải vị ngọt đắm thuở đầu và đắng chát lúc sau. Bởi lẽ bản năng của người phụ nữ là hi sinh, nên mong lắm, cần lắm tìm được một người đàn ông thực sự xứng đáng để mình có thể sống trọn vẹn với cả trái tim chân thành này cả cuộc đời.

Tiếng vó ngựa vẫn cứ theo thời gian mà leo dốc vượt đèo. Và những người phụ nữ vẫn thầm lặng ở phía sau người đàn ông của cuộc đời mình như thế. Như vốn dĩ đã là quy luật muôn thuở của cuộc sống.

Hạnh My

Ảnh: Hachi8


Bình luận về bài viết này