[Viết] Quán nỗi buồn của những kẻ lang thang

Nhạc Phạm Hồng Phước có đoạn:

“Chung cư cao xa, chiếc ô cầm bạn che hai ta

Bỗng đôi mình ngả nghiêng trên phố, thật là liêu xiêu

Mình cùng đứng dưới cây đèn đường, nhẹ hôn rất thanh bình

Như trong phim, cảnh phim thập niên 70

Mình từng ngồi cạnh bên nhau trên mái nhà dột mưa ẩm ướt

Hai chân vắt vẻo lưng chừng và nghe nhạc từ băng Casetle.”

(Kẻ lang thang và quán nỗi buồn)

Tôi đương nhiên là kẻ lang thang. Nhưng quán nỗi buồn của tôi thì không có đèn đường, chẳng có mái nhà ẩm ướt hay có ai đó đứng cạnh mà hôn nhẹ một cái thật thanh bình đâu. Quán lang thang của tôi chỉ là một cái bàn gỗ và vài cái ghế nhỏ hoặc một cái lán lụp xụp, có bếp lửa hồng, giữa triền núi cao và con đường vòng vèo xuống dốc.

Tôi đến quán lang thang một buổi chiều mùa đông nắng nghiêng nhẹ, vắt ngang lưng đèo, hắt xuống lòng đường chỉ vài sợi thôi, mà sao thấy mơ màng đến thế. Bên gốc cây già và một vài bóng đổ xanh lá, quán vắng chơ vơ như dáng độc mộc giữa thênh thang núi. Nỗi buồn mỏng như gió chiều. Tôi kéo nhẹ chiếc khăn rằn thắt hờ trên cổ. Dừng xe, ngồi xuống quán vắng.

Chiếc bàn gỗ đơn sơ nhỏ tẹo đặt giữa con đường bên đất bên rải nhựa. Vài chai đựng rượu màu thủy tinh xanh, vài cái bát men miệng đã mẻ, cũ rích. Lưa thưa dăm ba chiếc ghế gỗ nhỏ hai chân. Người chủ quán là một cụ già răng nhuộm vàng cười tươi rói. Bên cạnh là chiếc điếu cày cũ. Chốc chốc ông lại rít vài hơi, nhả khói, như cách người ta say một ngụm rượu ngô thật nồng. Người đàn ông hỏi tôi:

  • “Đi đâu mà có mỗi một mình?”

Tôi ngậm ngùi trả lời:

  • “Lang thang thì đương nhiên là một mình mới thấy thú bác ạ!”
  • “Đường còn dài, núi còn xa. Tha hồ mà lang thang…”

Nụ cười vàng lấp lánh, mắt nheo lại vì ánh mặt trời. Tôi xin bác một ngụm rượu ngô. Đắng chát và cay nồng. Gió hơi lạnh, nắng hơi vàng, và sao rượu lại ngọt nồng, rát cháy như gọi cả mùa nắng rồi rót đầy cổ họng? Tôi ngồi lặng im nơi quán vắng. Sau lưng là núi xám. Trước mặt là con đường hình như chân trời sắp ráng đỏ ánh chiều tà. Mà sao buồn đến thế. Cảm giác chiều đông tê tái, một mình lặng lẽ đến vậy. Đường về nhà, còn xa và dài lắm. Có ai đi cùng mình?

Những quán cóc ven đường thỉnh thoảng lại là điểm dừng chân cho kẻ lang thang như thế. Tôi thích phút nghỉ ngơi bên quán nhỏ, ngồi chiếc ghế bé tẹo mà nhìn rõ mặt đường cằn cỗi đất đá, thấy xanh mướt những bãi ngô thẳng tắp dọc bên đường. Mùa ngô bẻ bắp, chắc con đường này sẽ vàng khô và hăng hăng mùi bẹ ngô đã bẻ để lâu ngày. Không khí hơi ẩm một chút, nhưng lạ là tôi cứ muốn hít hà mãi thôi. Vì đó là mùi của đá núi, của điều gì bình dị và hoang sơ mà tôi cứ mải miết kiếm tìm.

Quán cóc có vài người đàn ông, đàn bà ngồi nghỉ chân. Chén rượu làm đầu câu chuyện. Có người kể chuyện vợ con, chuyện đồng áng. Có người nhắc chuyện con trâu con bò, chuyện cây ngô trên núi chẳng chịu lớn nhanh kịp mùa thu hoạch. Rượu vào rượu ra, nhiều điều tỏ lòng, nhiều điều chua chát, nhiều nỗi bận lòng. Cứ thế, quán cóc ven đường trở thành điểm dừng chân cho những người nhiều nỗi niềm. Như tôi đây. Chỉ tiếc chẳng cùng ai tỏ bày được. Tôi chỉ ngồi yên đó, lặng im nhìn những người đàn ông đàn bà trải lòng mình với nhau. Thấy họ bình dị như cỏ cây, mà cũng bộc trực, chất phác chẳng ngại phiền lòng bạn mà nói những lời thật chân.

Có lần, dừng lại bên quán cóc, tôi thấy một người đàn ông ngồi uống rượu một mình. Bên cạnh con ngựa vẫn cột chân, gùi cỏ lanh vừa cắt về cho ngựa vẫn còn xanh tươi phơi dưới bóng nắng. Anh ta ngồi đó, cạn từng chén rượu rồi một mình lẩm bẩm. Ngỡ như trước mặt anh ta là một ai đó đang lắng nghe anh tỏ bày. Nhưng tuyệt nhiên là không. Tôi chỉ thấy ngồi trước anh ta là bóng núi lừng lững tịnh lặng theo ngọn gió lành mà thôi. Vậy mà anh ta cứ nói, như là mượn rượu trải lòng mình. Tôi nghe thấy điều gì trăn trở từ nỗi lòng anh. Đời nó tệ bạc lắm. Nghèo lắm thì khổ. Con ngựa mình nuôi bao năm, đến lúc nghèo khó, bệnh tật còn chẳng đủ sức nuôi ngựa, không mang cỏ về cho ngựa ăn. Nó yếu dần, rồi nó cũng bỏ mình đi thôi. Thế thì làm sao trách được người ta, theo mình về làm vợ là đã khổ. Đã thế còn chẳng được một mụn con. Rồi thì cái đói, cái nghèo, cái khổ cứ thế níu cái áo, níu cái cửa nhà. Không thoát ra được cảnh khổ, lẽ nào người ta đủ can đảm mà cứ mãi theo mình?

Khuôn mặt khắc khổ, với những nếp nhăn chụn thành vết ngang dọc trên gương mặt đau khổ. Tôi thấy anh ta nhăn mặt, như cố ép những giọt nước mắt ra khỏi lòng mình đang quặn đau. Có phải rượu ngô cay quá? Hay vì cuộc đời quá đắng cay?

Tôi không biết nữa. Một người đàn ông chân trần tóc cháy trên lưng ngựa vượt bao con đèo, vượt bao núi cao, một người đàn ông chẳng sợ đời, sợ đất, chẳng sợ trời xanh sụp xuống; không sợ núi cao thung sâu làm đau đôi chân, làm nặng đôi vai khắc khổ. Mà lại sợ hãi và lòng đớn đau thấy người phụ nữ của mình vì nghèo khổ mà yếu lòng buông tay. Cái tình người vùng cao nặng tựa núi non là vậy. Nhưng cuộc đời mà, vẫn vậy, vẫn có đắng cay, vẫn có những điều dang dở. Ai có thể trách ai ngày hôm nay còn thương nhau là vậy; ngày mai đã thiếu niềm tin mà rời bỏ mình đi như thế. Lòng người đàn ông ấy chắc đang tự trách mình. Hay trách người, trách đời?

Tôi chỉ lặng lẽ ngồi đó mà buông những dòng suy nghĩ về đời người, về cái nghèo khó, về nghĩa tình của con người vẫn có thể đổi thay khi cuộc đời éo le đến thế. Và đếm từng chén rượu anh uống, từng cái nhăn mặt hay cái chau mày. Trước mặt anh, núi vẫn im lìm như là sự thật ngang trái vẫn tồn tại và chẳng thể nào xuất hiện những điều kì diệu.

Tôi cũng nghĩ về chính mình, về những điều mình đang đối mặt liệu có đáng sợ và bế tắc như người đàn ông kia hay không? Đôi lúc bi quan và bỏ bẵng cuộc sống với đầy trách nhiệm ngoài kia. Xách xe đi, để sống cho mình mà thôi. Để rồi nhìn thấy những con người với bao số phận khác nhau, tôi thấy những khó khăn của mình chẳng là gì. Tôi thấy mình còn hạnh phúc gấp bội bao người. Biết thế, để bớt buồn và bi quan. Và biết sống cho hiện tại. Cho những gì mình đang có. Những điều với mình có thể chẳng là gì cả.  Nhưng với người, đó là cả một gia tài rồi.

Quán nỗi buồn còn là một lần chạy xe về phố núi. Đêm đầy sao. Bát ngát gió trời. Mùa đó hình như mới chớm đông. Dừng xe vì hết xăng dọc đường. Tạt qua quán vắng. Chỉ vắng vì quán nằm cô độc giữa con đèo xa ngái, chứ quán thì đầy nhóc người. Tôi lượm một bắp ngô luộc thơm ngọt và khen khét mùi khói. Thu lu một góc. Họ là những kẻ lang thang như mình đó, nhưng họ có bạn đồng hành, có đôi lứa. Tiếng nói cười, xì xào nhỏ to những câu chuyện tuổi trẻ. Rằng chúng mình sẽ chinh phục những con đèo lộng gió, bước chân đến bao xứ lạ miền xa. Rằng chúng mình sẽ có những kí ức đẹp theo hành trình tháng năm, làm điều nọ, thực hiện điều kia để chẳng còn tiếc nuối. Mình bần thần ngợi nghĩ, mình có điều gì tiếc nuối trong hành trình tuổi trẻ hay không? Kẻ cô đơn lang thang một mình khắp chốn, sẽ nuối tiếc điều gì? Lấp đầy lòng mình chỉ là những lần chạy xe mải miết đuổi theo bóng núi, ánh mặt trời và những mùa hoa dại. Một mình.

Hình như đôi lúc bận lòng vì những điều mỏn mọn mà đời sống cứ chật chội gác lên vai, tôi lại nghĩ đến cái quán lang thang với nhiều buồn vui của biết bao con người như thế. Quán nỗi buồn bên con đường thênh thang, nơi người ta ngồi lặng lòng cho nỗi buồn theo gió trời mà bay đi mất. Nơi đó, người ta ngồi một mình cạn chén rượu với núi non, rượu vơi thì lòng cũng vơi bớt những âu tư. Nơi đó, người ta ngồi cạnh nhau, buông bỏ những trở trăn của ngày cũ, kể cho nhau nghe bao chuyện to nhỏ. Nơi đó, nỗi buồn chất đầy thành núi cao. Nỗi buồn của biết bao người dừng chân ghé quán. Rồi lại lên xe ra về, lững thững bộ hành trở về với cuộc sống với nỗi lòng đã vơi bớt lo âu.

Quán nỗi buồn của tôi và những kẻ lang thang như tôi, quán nỗi buồn của những người đàn ông đàn bà miền núi cao đơn sơ, bình dị như thế. 

Hạnh My


Bình luận về bài viết này